Tin tức

LÒ GẠCH CŨ ĐÃ ĐẾN LÚC NGHĨ NGƠI ???

NHỮNG LÒ GẠCH THỦ CÔNG ???

 

Những tưởng phương thức sản xuất vật liệu bằng lò gạch thủ công sẽ ngừng sản xuất khi quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công và hạn chế gạch đất sét nung được ban hành và đi vào thực thi, trả lại vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng vốn có cho làng quê Việt Nam. Thế nhưng đến nay việc thực hiện quyết định này ở các địa phương vẫn là vấn đề nan giải.

 

 

Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ năm 2001 yêu cầu tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác và sử dụng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở toàn bộ các khu vực: “từng bước phát triển gạch không nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng thủ công ở các vùng ven đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010”.

 

Văn bản trên ban hành xuống là như vậy, nhưng đến nay việc thực hiện quyết định ở khu vực ven đô Hà Nội vẫn còn chưa triệt để, còn tại các đại phương thì gần như nhỏ giọt không đáng kể. Giữa luật ban hành và việc ban hành và việc thực hiện là 2 vấn đề luôn chưa có tiếng nói chung, nhất là khi các lò thủ công hiện nay ở các địa phương lại liên quan đến nhiều vấn đề như công ăn việc làm của người lao động tại các địa phương, khi mà lực lượng nông dân tham gia theo thời vụ là đa số và đang đứng trước nguy cơ không có việc làm, bên cạnh đó đây là mô hình mang lại kinh tế cao cho nhiều địa phương nên việc xóa bỏ hẳn chưa thể dứt khoát, việc đầu tư mới hệ thống lò tuynel thì lại cả một vấn đề liên quan đến vốn. Một điểm đáng lưu ý nữa đối với việc xóa  bỏ “ cái lào gạch cũ” ở các địa phương còn đụng chạm đến cái gọi là “lệ làng” mà bao đời nay Nhà nước  vẫn phải chào thua.

 

Việc ban hành quyết định xóa bỏ lò gạch thủ công giống như chuyện chưa bao giờ có ở làng quê. Vậy một câu hỏi được đặt ra: tại sao việc dập tắt khói tại các làng quê lại khó khăn đến vậy?. Đây là một thực trạng chung mà không chỉ riêng chuyện “cái lò gạch cũ:. Mấu chốt vẫn nằm ở chính quyền địa phương. TS.Trần Văn Huynh, Chủ tịch hội VLXD cho biết: “việc chính quyền các địa phương vẫn chưa mạnh tay trong xóa bỏ các lò gạch thủ công nên việc thực hiện triệt để quyết định là rất khó”.

 

Người dân thì cứ kêu, môi trường thì cứ bị ô nhiễm, luật nhắc thì cứ nhắc, cấm thì cấm còn các lò gạch vẫn cứ đỏ lửa và nhả khói đều đều. Vấn đề thực hiện không nằm ở chỗ có mạnh tay  hay cần thêm thời gian chờ đợi mà là có quyết tâm thực hiện triệt để hay không mà thôi. Những làng quê trong lành vẫn đang bị “đốt cháy” từng ngày, ngành vật liệu xây dựng thì vẫn phải chấp nhận một sản phẩm của công nghệ lạc hậu kéo dài hàng thế kỷ một cách miễn cưỡng.

 

Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn hội nhập quốc tế thì việc những hình thức sản xuất vật liệu thủ công cũng sẽ bị đào thải dần dần một cách tự nhiên do cơ chế cạnh tranh khốc liệt, trong đó có lò gạch thủ công. Thế nhưng việc người dân Việt Nam đôi khi vẫn thích cái gọi là “truyền thống”, ủng hộ tiêu chí rẻ hàng đầu và không dám mạo hiểm chấp nhận cái mới tức thì, thì những “cái lò gạch cũ” kia sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài để vi phạm luật mà vẫn hợp pháp với người tiêu dùng.

 

Môi trường xanh và vật liệu xanh dựa trên công nghệ tiên tiến là mục tiêu tương lai của ngành vật liệu xây dựng nhưng khi nào vẫn còn những phương thức sản xuất thủ công như những “lò gạch cũ” thì vẫn chưa thể thực hiện được. TS.Trần Văn Huynh cho biết thêm: “để phát triển vật liệu xanh, vật liệu không nung thì trước tiên cần phải xóa bỏ hoàn toàn những nhà máy sản xuất gạch thủ công. Bên cạnh đó cũng phải hạn chế, không đầu tư xây mới các nhà máy tuynel sử dụng đất nông nghiệp để những loại vật liệu mới có cơ hội xâm nhập thị trường”.

 

Không thể phủ nhận vai trò của những “lò gạch cũ” trong lịch sử phát triển ngành vật liệu xây dựng cũng như công cuộc xây dựng nói chung. Việt Nam là quốc gia mà hình thức sản xuất thủ công này tương đối phù hợp ở những địa phương vùng sâu vùng xa, đất nông nghiệp còn nhiều và không gian sản xuất, nhân công đều thuận lợi. Nhưng đã đến lúc cần phải thay thế những hình thức sản xuất không còn phù hợp với thời đại. Vì một môi trường xanh, vì sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng, vì công cuộc hiện đại hóa đất nước thì việc xóa bỏ những cái lạc hậu chính là một hành động thiết thực nhất.

 

Sẽ không còn những “cái lò gạch cũ” là câu chuyện sẽ sớm có hồi kết hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Nhưng những bước đi mạnh mẽ chưa từng thấy của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay chính là một dấu hiệu tích cực cho những nỗ lực không ngừng của ngành cũng như của Bộ xây dựng trong sự nghiệp “ xây cho nhà cao cao mãi”.