Tấm ALC còn được gọi là tấm panel nhẹ, tấm panel siêu nhẹ hay tấm bê tông khí chưng áp. Vật liệu này sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại (công nghệ khí chưng áp) nên cũng sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội. Tấm panel được sản xuất bằng các nguyên liệu quen thuộc như: xi măng, cát, nước và không thế thiếu phụ gia tạo bọt khí. Sau khi hoàn thành, tấm ALC có cấu trúc chiếm 80% là bọt khí nên giảm trọng lượng đáng kể so với vật liệu truyền thống.
Hiện nay, tấm ALC thường được đúc với kích thước khá lớn để tối ưu thời gian và công sức xây dựng. Người ta ứng dụng tấm ALC trong hạng mục làm sàn, tường hay trần nhà và các công trình công nghiệp.
Vì sao nên xây dựng công trình bằng tấm ALC
Tuy là vật liệu mới xuất hiện trên thị trường Việt cách đây không lâu nhưng tấm ALC vẫn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hạng mục. Vậy, lý do vật liệu này được ưa chuộng là gì?
Mang lại giá trị kinh tế cao: nhiều người cảm thấy giá của tấm ALC cao hơn tấm bê tông thường và đánh giá vật liệu này không mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Tuy rằng giá đầu tư ban đầu cao nhưng vật liệu này lại có độ bền và tuổi thọ rất lâu. Tấm ALC bền bỉ, không dễ bị nứt, ẩm mốc, mối mọt hay mọc rêu. Bạn sẽ tiết kiệm được 1 khoản chi phí sơn sửa công trình làm từ ALC. Hơn thế nữa, tấm bê tông nhẹ cũng dễ vận chuyển và rút ngắn thời gian thi công. Từ đó tiết kiệm chi phí thuê nhân công cho chủ công trình.
Tính năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy: cấu trúc bọt khí là nguyên nhân khiến cho tấm bê tông ALC có tính năng cách nhiệt, chống cháy tốt hơn 4 - 5 lần vật liệu thường. Hệ số dẫn nhiệt thấp giúp cho công trình mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông giá rét. Bên cạnh đó, tấm ALC cũng có khả năng tốt do âm thanh sẽ phát tán qua các bọt khí liti trước khi đi vào trong nhà.
Thân thiện với môi trường: vật liệu truyền thống cần trải qua quá trình nung nóng dưới nhiệt độ cao trước khi hoàn thiện. Khi nung nóng sẽ thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí. Trong khi đó, tấm bê tông ALC sản xuất bằng công nghệ khí chưng áp nên không hề gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Vật liệu sản xuất tấm bê tông nhẹ cũng không cần khai thác nhiều ngoài môi trường.
Hướng dẫn thi công tấm ALC
Hiểu rõ quy trình thi công tấm ALC sẽ giúp bạn xây dựng công trình đạt chuẩn và bền chắc. Bạn thi công lắp tấm ALC làm tường, làm sàn theo hướng dẫn sau:
- Bước 1: Đánh dấu chính xác vị trí cần lắp tấm ALC. Bạn có thể sử dụng máy laser để đo đạc kích thước rồi vẽ mực lên vị trí cần lắp.
- Bước 2: Nâng và đặt tấm bê tông nhẹ vào vị trí đã đánh dấu. Bạn có thể sử dụng máy nâng bê tông hoặc sử dụng sức người để làm công việc này tùy theo tính chất công trình. Chân và đỉnh tấm bê tông phải được kê bằng gỗ hoặc cao su. Đóng đinh để liên kết tấm bê tông với dầm hoặc sàn đang thi công.
- Bước 3: Các khe hở trên đỉnh và chân tấm bê tông được lấp kín bằng keo chuyên dụng.
- Bước 4: Sau khi đã lắp xong tấm bê tông đầu tiên thì lần lượt lắp các tấm bê tông tiếp theo cho đến khi hoàn thành.
- Bước 5: Tiếp tục sử dụng keo liên kết tấm chuyên dụng để lấp kín khe hở ở chân tấm và giữa các rãnh của tấm bê tông.
- Bước 6: Sau vài ngày, bạn kiểm tra xem keo dán các tấm đã khô cứng hay chưa. Nếu đạt chuẩn thì rút các tấm chêm ra. Chèn kín vị trí vừa rút chêm bằng keo dán chuyên dụng.